Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) được xác định là một giải pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể là các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Chương trình được thực hiện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Sau hơn 4 năm Chương trình thực hiện trong điều kiện khó khăn, xuất phát điểm thấp, ảnh hưởng dịch Covid -19, nguồn lực khó khăn; nhận thức của một số cán bộ Đảng viên và nhân dân bước đầu còn hạn chế, cơ chế chính sách chưa kịp thời. Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương; với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, biết phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cộng với những chính sách, chương trình, đề án về phát triển kinh tế xã hội được tỉnh, các huyện ban hành, tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn.

Nhờ đó, đến hết năm 2022. Toàn tỉnh đã có 403 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước; gồm: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương đánh giá, trong đó có 9 điểm du lịch nông thôn và Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt sao được công nhận.

Qua đó, đã góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh đã có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 42 xã nông thôn mới nâng cao; 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập nhất định, nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản phẩm OCOP như: Một số sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói. Đặc biệt là thương hiệu nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao; Còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu và lao động địa phương; Các cơ chế, chính sách tuy đã được ban hành song nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai; Bên cạnh đó các chủ thể khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đã được quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế; Chưa kết nối tiềm năng, lợi thế với khai thác tiềm năng du lịch; Công tác tuyên truyền về chương trình OCOP tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP.

Thực tiễn qua hơn 4 năm thực hiện khẳng định rằng “ Để sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển thì cần phải đảm bảo các yếu tố: Chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm; Phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả, giá cả phải cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường; Bên cạnh đó yếu tố thương hiệu, chỉ dẫn địa lý tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh là then chốt…”

Thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, hướng tới việc chuẩn hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu sáng công nghiệp cho các sản phẩm và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Đến nay, Nghệ An có 1.780 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.679 nhãn hiệu, 76 kiểu dáng, 16 giải pháp hữu ích và 9 sáng chế. Ngoài 02 văn bằng Chỉ dẫn địa lý và 9 nhãn hiệu chứng nhận thì đến nay Nghệ An có 32 đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nhiều sản phẩm OCOP có chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được cấp nhãn hiệu tập thể nổi tiếng đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An như: Cam Vinh, Nước mắm Vạn Phần, Nước mắm Cửa Hội, Tôm nõn Diễn Châu, Cá Thu nướng Cửa Lò, Dê Tân Kỳ, Mực Quỳnh Lưu, Gà Thanh Chương, Gà Phủ Diễn, Gạo Mường Nọc, Bơ Nghĩa Đàn, Bò giàng Tương Dương, Gừng Kỳ Sơn, Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, Chè Hoa Vàng Quế Phong, Trà cà dây leo, giảo cổ lam, dây thìa canh, Lứa Japonica Quế phong, Gường Kỳ Sơn, Rượu Mú Từn, Sâm Puxalaileng, Đẵng Sâm, Lan Kim tuyến, Hà Thủ Ô, Bò Mông, Lúa AC5, Mật ong, Tỏa xoắn, Rau hữu cơ,…Ngoài các sản phẩm nông sản, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ khá đa dạng như: các dịch vụ mua bán hàng tiêu dùng, dịch vụ Homestay, dịch vụ nhà hàng…

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ, trong 1.780 đối tượng được bảo hộ, chỉ có khoảng 30% -35% đối tượng được các chủ sở hữu quyền khai thác và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển sản xuất, việc kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên, hiện còn một số sản phẩm dù đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng khi đưa ra lưu thông trên thị trường không đủ điều kiện cơ sở sản xuất thực phẩm, tiêu chuẩn áp dụng, chất lượng sản phẩm, không thực hiện ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đúng, không đầy đủ; Không thực hiện thử mẫu kiểm soát định kỳ theo quy định; Bao bì sản phẩm hàng hóa không đảm bảo; chất lượng sản phẩm không đồng đều…

Việc xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, nhằm tạo lòng tin cho khách hàng và định vị trên thị trường. Khi đã có một thương hiệu đủ lớn mạnh, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh, phát triển, mở rộng kinh doanh vượt bật so với các đối thủ, để giúp cho các chủ thể duy trì và phát triển thương hiệu theo chúng tôi đề nghị các cấp các ngành các địa phương đơn vị cần làm tốt một số nội dung sau đây:

  • – Nâng cao nhận thức của Nhân dân và các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP, chất lượng hàng hóa sản phẩm OCOP là chìa khóa trong việc xây dựng thương hiệu, coi thương hiệu là niềm tự hào, tự tôn, tự trọng của quê hương.
  • – Tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng, quản trị và phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm cho các đối tượng liên quan gắn với học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế về trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, các chợ truyền thống nhằm giúp các chủ thể OCOP chủ động trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến nhãn hiệu, bao bì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, định hướng xuất khẩu và mở rộng thị trường.
  • – Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhất là sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương nhằm tạo lập, bảo tồn và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; Thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; Xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm OCOP song song với xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, Global Gap, HACCP… cho các sản phẩm chương trình OCOP.
  • – Rà soát cơ chế, chính sách để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm của đơn vị; Khuyến khích sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường, có thể tái chế, tái sử dụng.
  • – Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng giả,… tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, lao động và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của địa phương.

Tin tưởng rằng trong thời gian tới từ kết quả xây dựng thương hiệu sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi phương diện để sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được khẳng định trên thị trường./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *