Nghệ Thuật Pha Trà “Nhất Nước, Nhì Trà, Tam Pha, Tứ Ấm” Của Người Xưa Trà là một thức uống mang hương vị thuần khiết và thanh nhã độc đáo của người Việt. Thức trà này khi pha ra sẽ khiến cho rất nhiều người thưởng trà mê mẩn nhờ hương thơm thoang thoảng đậm đà. Để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của trà, bạn cần phải biết cách pha đúng chuẩn mới phát huy hết được sự thơm ngon vốn có. Hãy cùng bài viết sau đây khám phá ngay nghệ thuật pha trà “Nhất Nước, Nhì Trà, Tam Pha, Tứ Ấm” của người xưa để có được một tách trà thơm ngon chuẩn vị nhé!
Nghệ thuật pha trà độc đáo của người xưa
Người xưa thường nói để có 1 ấm trà thơm ngon và hoàn hảo đến từng sắc nước và hương vị, bạn cần hội tụ 4 yếu tố quan trọng đó là “Nhất thủy, Nhì trà, Tam pha, Tứ ấm”. Mỗi yếu tố này đều phải được chuẩn bị một cách hoàn mỹ nhất.Văn hóa uống trà của người Việt có thể nói đã có từ lâu đời, không thể nói rõ văn hóa này bắt nguồn từ thời điểm nào nhưng từ những câu truyện cổ tích xa xưa ta đã thấy được hình ảnh ấm trà xuất hiện. Hiện tại, ở những vùng núi cao như Nghĩa Lộ (Yên Bái), Pà Cò (Hoà Bình), Tà Xùa (Sơn La), Cao Bồ (Hà Giang) người ta vẫn đang thu hoạch những búp trà trên những cây trà có tuổi thọ lên tới 600 năm tuổi.
Nhất Nước
Đầu tiên là yếu tố nước pha trà. Bởi nước cùng trà chính là cội nguồn hương vị của một ấm trà ngon. Khi nói về nước pha trà ngon người ta hay có câu “Sơn Thủy thượng, Tĩnh Thủy hạ, Giang Thủy trung”. Điều này có nghĩa là nếu lấy nước suối thì lấy nước đầu nguồn, lấy nước sông thì lấy nước giữa dòng, lấy nước giếng thì lấy dưới đáy. Nước dùng pha trà phải là nước suối đầu nguồn, nước giếng ngọc hoặc sương sớm đọng lại tạo thành. Lưu ý, tuyệt đối không nên dùng nước đun sôi để nguội để pha trà, bởi người xưa quan niệm nước này là nước chết, không còn sinh khí.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đặc biệt đối với những ai sống tại thành phố rất khó để tìm được những loại nước này. Do đó, bạn hoàn toàn có thể dùng các loại nước tinh khiết đã được lọc kỹ phổ biến trên thị trường như nước khoáng Aquafina, Lavie,…để pha trà. Đồng thời, lưu ý không nên dùng nước máy để tránh làm mất độ ngon của trà.
Nhì Trà
Yếu tố thứ hai để có một ấm trà thơm ngon đó chính là chọn trà. Bạn hãy tự chọn cho mình một loại trà ngon ưng ý nhất tùy theo sở thích của mình. Điều này giúp tạo nên một gu thưởng trà riêng biệt khác nhau. Loại trà ngon nhất phải là sản phẩm sạch, thuần mộc, được thu hái sao chế theo phương thức thủ công. Nguyên liệu trà phải được lựa chọn từ những vùng trà đặc sản như vùng trà Tân Cương Thái Nguyên. Một số loại trà gợi ý dành cho bạn như trà Móc Câu Tân Cương, trà Nõn Tôm, trà búp…
Bài viết sẽ bật mí cho bạn 3 yếu tố quyết định nên trà ngon đó là:
Màu nước trà: trong, xanh, óng màu vàng cốm (vàng vàng xanh xanh)
Hương trà: thơm mát, thanh đạm và dịu nhẹ.
Vị trà: có vị hơi chát nhẹ dịu. Sau khi uống trà bạn sẽ có cảm giác “Tiền chát, hậu ngọt” nghĩa là đầu tiên uống vào sẽ có vị chát nhẹ, vị hơi đắng và đọng lại vị ngọt dịu ở cổ họng.
Đây là loại trà đặc trưng của Việt Nam bởi trà được ướp với nhiều loại hoa thơm, đặc trưng tại Việt Nam. Trà thường được ướp hoa trước và đóng gói sẵn để dễ dùng. Các loại trà hương đặc sắc nhất phải kể đến trà sen, trà lài, trà ngũ hương và trà hoa sứ.
Tam Pha
Văn hóa trà Việt tuy chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng vẫn có nét riêng đặc trưng, khác biệt so với văn hóa trà Trung Quốc hay văn hóa trà đạo cầu kỳ của Nhật Bản. Phong cách thưởng trà của người Việt mang những nét bình dị, mộc mạc, gần gũi, chứa đựng nhiều tình nghĩa thân thương giữa những người anh em họ hàng, bạn bè thân quen, bà con xóm làng. Cách pha trà cũng là một trong những yếu tố quyết định tạo nên tách trà thanh mát, dịu ngọt. Các bước để pha trà chuẩn vị, thơm ngon như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Bạn cần chuẩn bị khoảng 8gr trà, ấm trà, chén Tống (chuyên trà), chén Quân, dụng cụ gắp trà, lọc trà, nước sôi
Bước 2: Tráng ấm và chén trà bằng nước sôi.
Việc sử dụng nước sôi để tráng ấm và chén pha trà giúp tiệt trùng hiệu quả và làm ấm dụng cụ pha trà.
Bước 3: Tráng trà
Bạn tiến hành cho trà vào ấm và châm nước ở nhiệt độ 80 độ C. Sau đó, ngay lập tức rót hết nước tráng trong ấm ra ngay để đánh thức lá trà, giúp trà nở nhanh và thoát hương hiệu quả.
Bước 4: Pha trà
Tiếp tục châm 200ml nước sôi có nhiệt độ 75 – 80 độ C vào ấm và hãm 20 -25 giây.
Bước 5: Rót trà và thưởng thức
Rót trà từ ấm: Sau khi hãm đủ thời gian, bạn rót hết lượng trà trong ấm ra chén Tống qua chiếc lọc trà và tránh để lại nước trong ấm.
Rót trà từ chén Tống: Rót trà từ chén Tống ra chén Quân để thưởng thức.Gần như bất cứ nơi đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh ấm trà, ly trà từ trong không gian sinh hoạt, hàng quán và nơi lao động của con người Việt Nam. Những ly trà xanh mát rượi dưới hiên nhà trong những buổi trưa hè, chén trà nóng trên bàn gỗ vào những ngày đông lạnh giá. Người Việt mời nhau chén trà rồi bình tâm ngồi trà đàm, nhâm nhi suy ngẫm bàn luận về thế sự hay đơn giản là giải lao, cùng nhau nói chuyện vui cùng chén trà sau những giờ làm việc mệt nhọc.
Tứ Ấm
Yếu tố cuối cùng bạn cần chú ý trong nghệ thuật pha trà của người xưa đó là ấm trà. Thông thường ấm trà được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đất nung, sứ, thủy tinh, kim loại,…
Tuy nhiên, để có được một ấm trà ngon nhất, bạn nên chọn ấm có chất liệu từ gốm, đất nung. Bởi những loại ấm này có ưu điểm là giữ nhiệt rất tốt, hương trà sẽ dần thẩm thấu và lưu lại trong ấm sau mỗi lần pha. Tuyệt đối không nên sử dụng ấm sắt hay ấm kim loại để pha trà. Ngoài ra, cũng cần hạn chế sử dụng ấm sứ do ấm sứ đã được tráng men nên không giữ nhiệt lâu.
Kết luận
Trên đây là tổng hợp nghệ thuật pha trà “Nhất Nước, Nhì Trà, Tam Pha, Tứ Ấm” độc đáo của người xưa. Nghệ thuật pha trà này chắc hẳn sẽ đem lại nhiều cung bậc cảm xúc thú vị cho người pha và thưởng thức trà. Chúng tôi hy vọng vài chia sẻ trên sẽ đem lại cho các bạn những phút giây quây quần pha trà và thưởng thức vui vẻ, ấm áp cùng nhau nhé!